Nguyên nhân và cách khắc phục tình trạng phình, nổ ống HDPE trong quá trình thử áp lực đường ống sau lắp đặt

Tại sao phải thử áp lực đường ống HDPE sau lắp đặt

Mục đích của việc thử áp lực đường ống tại hiện trường là để đảm bảo rằng: Tất cả các mối nối trên tuyến ống, các điểm lắp phụ tùng, các gối đỡ, phụ kiện như tê cút… đều chịu được áp lực, sự va đập của nước trong ống khi làm việc và đảm bảo kín nước.

Áp lực thử phải trong khoảng 1,25-1,5 lần áp lực làm việc lớn nhất của đoạn ống nhưng không vượt quá giới hạn áp lực của ống hay của gối đỡ và phụ kiện đã thiết kế. Thời gian  thử áp lực của từng giai đoạn phải đảm bảo ít nhất là 1 giờ. Trong khoảng thời gian thử áp lực, sự chênh lệch áp lực không được quá +-0.35bar.

Ta có thể áp dụng các tiêu chuẩn thử áp tham khảo như sau:

  • Đường ống truyền dẫn ( có kích thước D = 300 trở lên ) thì áp lực thử là 6 bar.
  • Đường ống phân phối ( có D = 100  ¸300 ) áp lực thử là 2-4-2 bar.
  • Đường ống dịch vụ ( D= 32 ¸75) áp lực thử có thể là 2-4-2 bar hoặc nhỏ hơn.

Tại các công trình, khi tiến hành thử áp lực ống HDPE sau lắp đặt thường xảy ra tình trạng ống bị phình, nổ gây hỏng hóc trong quá trình xây dựng. Tại sao vậy? Liệu có phải do chất lượng ống không đảm bảo hay do nguyên nhân nào khác?

phình ống hdpe

Lí giải nguyên nhân gây phình, nổ ống trong quá trình thử nghiệm và cách khắc phục

Sau khi tìm hiểu và nghiên cứu, người ta nhận thấy rằng, việc thí nghiệm ống phải được thực hiện và điều chỉnh dựa trên tình hình thực tế tại công trình. Nếu trong điều kiện lí tưởng là phòng thí nghiệm với nhiệt độ 20 độ C, áp suất thí nghiệm sẽ bằng áp suất danh nghĩa (ASDN) của ống nhân với 1,56 lần trong vòng 100h. Nếu bơm phá hủy tức thời có thể lên đến gần 3 lần ASDN. Còn trong điều kiện thực tế với tác động môi trường khác nhau, thì áp suất thí nghiệm lớn nhất sẽ bằng áp suất làm việc (lớn nhất theo thiết kế)  của hệ thống nhân với 1,5 lần.

Ví dụ với các công trình nước sạch sẽ thí nghiệm ở mức 1.5 lần áp suất làm việc (ASLV) của hệ thống. Ví dụ hệ thống làm việc có áp suất làm việc là 4 bar, vậy áp suất thí nghiệm (ASTN) sẽ là 4*1,5 = 6 bar.

Tại nhiều công trình, dưới điều kiện thời tiết nắng nóng gay gắt, nền nhiệt cao, do đặc tính màu sắc là màu đen nên ống hấp thụ nhiều nhiệt dẫn đến nhiệt độ của ống nóng hơn nhiệt độ môi trường từ 20 đến 35 độ C (ghi nhận đo được nhiệt độ ống lên đến 70 – 80 độ C) khi đó chúng ta phải tính đến hệ số suy giảm nhiệt độ theo tiêu chuẩn và nội suy để xác định áp suất thí nghiệm quy đổi phù hợp. Đây là bước mà rất nhiều đơn vị thi công, giám sát khi thử áp bỏ qua. Do đó nếu ta vẫn cứ thí nghiệm như quy định sẽ xảy ra hiện tượng phình nổ ống.

Ví dụ: ở nhiệt độ 20 độ C ứng suất vòng là 12.4 Mpa, nhưng ở 75 độ C ứng suất vòng chỉ còn 6.4 Mpa. Khi đó khả năng chịu áp tối đa của ống PN10 đang là 15.6 bar sẽ giảm xuống còn 8 bar. Ở nhiệt độ này nếu thử áp của hệ thống bằng áp suất danh nghĩa (tức là 10 bar) ống sẽ bị phình nổ.

Vậy sự sai lầm trong cách tính toán chính là nguyên nhân chính dẫn đến các hiện tượng hỏng hóc ống trong quá trình thử áp lực đường ống HDPE sau lắp đặt. Lúc này, bạn sẽ không thể đánh giá được chính xác chất lượng, độ bền của ống, gây khó khăn trong việc thi công, lắp đặt. Bạn hãy lưu ý để không mắc phải sai lầm này nhé.

Chúc các bạn áp dụng thành công. Hãy comment những thắc mắc, EUROPIPE sẽ giúp bạn giải đáp nhanh chóng!